Đóng
Đăng nhập
Tên tài khoản *
Mật khẩu *
Đóng
Khôi phục mật khẩu
Vui lòng gửi mail. Chúng tôi sẽ gửi link khởi tạo mật khẩu mới qua email của bạn
Đóng
Đăng ký hội viên
Họ và tên *
Giới tính *
Email *
Điện thoại *
Tài khoản *
Mật khẩu *
Nhập lại mật khẩu *
Công ty *
Chức vụ *
Lĩnh vực hoạt động *
Lời giới thiệu ngắn
Đăng ký hội viên
Các ô có dấu * cần điền đầy đủ thông tin
HANOISME: GIAO LƯU TRAO ĐỔI VIỆT NAM - LÀO
31/08/2022 767 Lượt xem
Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam – Lào
Đây là thông điệp và chủ đề chính của chương trình giao lưu trao đổi Việt Nam - Lào diễn ra vào sáng 31/8 tại Hà Nội, do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội và Tạp chí Mekong ASEAN phối hợp tổ chức.


Quy mô thương mại hàng hóa không ngừng được mở rộng
Phát biểu mở đầu buổi giao lưu Việt Nam - Lào, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, trong 60 năm qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Lào được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.

Sau 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, thương mại – đầu tư giữa hai nước không ngừng phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ hai nước.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 – 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18/7/1977 – 18/7/2022), Đại sứ Nguyễn Phú Bình tin tưởng chương trình giao lưu, trao đổi này sẽ góp phần vào thành công của “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022”, tạo không gian trao đổi, chia sẻ cởi mở, phân tích những cơ hội hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước, qua đó đưa ra những giải pháp nâng tầm quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư xứng tầm quan hệ bền vững Việt Nam – Lào.


 

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài
phát biểu mở đầu chương trình trao đổi.

 
Phát biểu sau đó, ông Phan Minh Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á bày tỏ, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, dù gặp phải bối cảnh và tình hình phức tạp, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào vẫn trở nên gần gũi, đặc biệt, không ngừng đơm hoa kết trái và đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Quan hệ chính trị là nền tảng vững chắc, là trụ cột quan trọng góp phần an ninh thế giới, trật tự mỗi nước. Hợp tác kinh tế tiếp tục được thúc đẩy, thương mại tăng trưởng 10% mỗi năm, dù phải trải qua thời kỳ đại dịch Covid-19 vừa qua.

Quan hệ hợp tác giữa các địa phương ngày càng mở rộng, hỗ trợ lẫn nhau, góp phần tuyên truyền giáo dục nhân dân và thế hệ trẻ phát triển, dù trong hoàn cảnh nào.
Từ góc độ của Bộ Ngoại giao, Bộ sẽ làm hết sức mình để gìn giữ vun đắp phát triển mối quan hệ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững giữa hai nước Việt Nam và Lào, vì lợi ích của nhân dân hai nước của khu vực và trên thế giới.


 

Ông Phan Minh Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á - Bộ Ngoại giao
phát biểu tại chương trình giao lưu, trao đổi.
 

Phát biểu tiếp lời tại chương trình giao lưu - trao đổi, bà Sonechan Phoutthavong, Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cho biết, quan hệ hợp tác thương mại giữa Lào - Việt Nam rất đặc biệt và có truyền thống từ lâu đời kể từ lãnh đạo cấp cao đến các cấp Bộ, ngành. Hai nước đã ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ logistics quá cảnh với Việt Nam.

Trong tháng 4/2022, hai Bộ Công Thương Lào và Việt Nam đã hoàn thành tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới lần thứ 12 tại Viêng Chăn. Qua đó, hai nước khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra nhiều ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất và thương mại biên giới Lào - Việt Nam; cùng nhau nghiên cứu, sửa đổi Hiệp định đã có, đặc biệt là Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt Nam và Quyết định Hà Nội năm 2007.

Chính phủ Lào có chính sách xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước theo Luật Xúc tiến Đầu tư năm 2016 và văn bản luật liên quan khác của Lào trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, bao gồm Chính sách xúc tiến đầu tư theo ngành với 9 ngành xúc tiến, trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư về thuế quan, sử dụng đất…

Để tận dụng cơ hội, tiềm năng và vị trí địa lý quan trọng này, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của Lào, bà Sonechan Photthavong kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Lào.


Bà Sonechan Phoutthavong, Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào
tại Việt Nam phát biểu tại chương trình trao đổi.
 

Phát biểu tiếp theo, ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương nhận định, Lào hiện nay là đối tác thương mại đứng thứ 7 của Việt Nam trong khối ASEAN. Việt Nam hiện đứng thứ ba trong số các quốc gia đầu tư tại Lào, với 211 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD. Nhiều dự án của doanh nghiệp Việt đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao.

Từ năm 2016 tới năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào tăng từ 823,4 triệu USD lên 1,37 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm. Riêng năm 2021, kim ngạch song phương đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Lào đạt xấp xỉ 949 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021. “Với tốc độ tăng trưởng này, quy mô thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt 2 tỷ USD trong thời gian tới”, ông Đỗ Quốc Hưng Đánh giá.

Trước đây, hàng hóa trao đổi giữa hai nước chủ yếu là mặt hàng khai thác từ tài nguyên thiên nhiên như gỗ, khoáng sản. Hiện cơ cấu hàng hóa đã bổ sung thêm các mặt hàng sản xuất như các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, sắt thép, các loại máy móc thiết bị phục vụ xây dựng, nông nghiệp.

Đặc biệt, từ năm 2016, Chính phủ hai nước đã ký Thỏa thuận tạo khuôn khổ pháp lý cho việc mua bán điện giữa hai nước. Theo đó, Việt Nam cam kết mua điện từ Lào đến 1000 MW vào năm 2020, 3000 MW vào năm 2025 và 5000 MW vào năm 2030. Đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện nhập khẩu điện từ Lào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện là 2689 MW.

Để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á Đỗ Quốc Hưng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, gia tăng xuất khẩu mặt hàng sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn gia súc để tận dụng được làn sóng đầu tư vào thị trường Lào. Ngược lại, Việt Nam cũng cần chú ý đến các mặt hàng nhập khẩu mạnh từ Lào như gỗ và sản phẩm gỗ, than, khoáng sản… Đây chính là nguồn nguyên vật liệu chiến lược cho sản xuất công nghiệp - năng lượng của Việt Nam.

 

Ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi,
Bộ Công Thương phát biểu tại chương trình trao đổi.
 

Sau đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá quan hệ Việt - Lào đã phát triển rất tốt đẹp trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số những tồn tại, nhất là về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu hai bên còn nhiều điểm chưa đạt, cơ sở thương mại biên giới còn nhiều yếu kém.

Trong thời gian tới, VCCI sẽ triển khai các dự án nghiên cứu về những khó khăn thách thức còn tồn tại này. VCCI cũng sẽ triển khai vấn đề dạy nghề nâng cao tay nghề cho lao động và đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của nước bạn Lào, để đẩy mạnh hơn nữa các dự án hợp tác đầu tư.

Phấn đấu kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD
 
Cũng trong khuôn khổ chương trình trao đổi, cuộc thảo luận bàn tròn đã diễn ra với sự tham gia của Bà Sonechan Phoutthavong, ông Đỗ Quốc Hưng, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa.

Trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra Tọa đàm "Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào". Tại đây, Bà Sonechan Phoutthavong, ông Đỗ Quốc Hưng, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa đã cùng nhau trao đổi những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp 2 nước trong bối cảnh mới; phân tích xu hướng, những lĩnh vực tiềm năng thu hút thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp hai nước; đồng thời, đề xuất những giải pháp nâng tầm hoạt động thương mại và đầu tư Việt Nam - Lào.

Ông Đỗ Quang Hưng đánh giá, về cơ bản, doanh nghiệp hai bên tận dụng tốt các khuôn khổ ưu đãi của các hiệp định. Bằng chứng là trong 7-8 năm vừa qua kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng tích cực và đều cao hơn 10% mỗi năm. Có điều, về một khu vực cụ thể, các doanh nghiệp Việt lại chưa tận dụng hết các ưu đãi. Ví dụ, Hiệp định Thương mại Biên giới Việt - Lào có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư tại các tỉnh biên giới Lào - Việt. Các ưu đãi này có thể bao gồm việc đưa hàng hóa về Việt Nam được miễn thuế VAT, miễn nhiều hạn chế và miễn kiểm dịch. Đây là những ưu đãi cực kỳ đặc biệt và chưa từng có.

Tuy nhiên, trong 7 năm qua, số doanh nghiệp Việt Nam áp dụng được ưu đãi này chưa nhiều. Một phần do doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm vững thông tin về các ưu đãi này. Mặt khác, các nhà đầu tư tại các tỉnh biên giới Lào gặp khó khăn về mặt lao động, ví dụ như mặt kỹ năng cần phải có nhiều sự cải thiện. Ngoài ra, Lào cũng có quy định về tỷ lệ lao động nước ngoài trong doanh nghiệp nước ngoài chỉ được 10%, từ đó dẫn tới hạn chế lao động nước ngoài.

Bà Sonechan Phoutthavong cho hay, Chính phủ Lào sẽ tập trung phát triển các ngành như nông nghiệp sạch, sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, Lào cũng mong muốn doanh nghiệp 2 nước nghiên cứu đầu tư và sản xuất các sản phẩm như mía đường, đầu tư vào nông nghiệp và một số ngành khác như năng lượng tái tạo, điện gió, thủy điện vào Lào. “Tôi mong doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh và kinh nghiệm quản lý nhân sự tích cực đầu tư vào Lào để con số kim ngạch thương mại 2 tỷ USD sẽ được thực hiện trong các năm tới”, bà Sonechan Phoutthavong chia sẻ.

Theo ông Đỗ Quang Hưng, hiện nay, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào đang ở ngưỡng 1,37 tỷ USD. Nếu tăng trưởng ít nhất 10% mỗi năm thì kim ngạch thương mại hai nước có thể đạt 2 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, do kim ngạch tăng nhanh thời gian gần đây nên có khả năng cao Việt Nam và Lào có thể đạt kim ngạch thương mại 2 tỷ USD trước năm 2025. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được lợi thế, hai nước hoàn toàn có thể sớm đạt được mục tiêu này.

Về mặt xuất khẩu, các sản phẩm chế biến chế tạo, vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng, và hải sản có tiềm năng tốt do Lào không giáp biển. Các mặt hàng thực phẩm chế biến cũng có thị trường tiềm năng tại Lào. Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư kiên trì xây dựng thương hiệu và phân phối để cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác.
Về nhập khẩu, gỗ và sản phẩm gỗ, than, khoáng sản, phân bón,… là các mặt hàng tiềm năng Việt Nam có thể khai thác.

Để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên, ông Đỗ Quốc Hưng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần nắm rõ quy định của các hiệp định thương mại để tránh vướng mắc khi làm thủ tục thông quan. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để tìm đối tác, bạn hàng.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá, những thành tựu kinh tế về thương mại và đầu tư giữa hai nước thời gian qua đã rất tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số những tồn tại. Nhất là về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu hai bên còn nhiều điểm chưa đạt, cơ sở thương mại biên giới còn nhiều yếu kém. “Tôi mong rằng doanh nghiệp hai bên sẽ cùng tìm hiểu và truyền tải về doanh nghiệp hai nước những điểm cần khắc phục để hợp tác Việt Nam - Lào ngày càng tốt đẹp, tương xứng với tiềm năng vốn có”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
 
Hiện, hai bên đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào (năm 2015); Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào ký năm 2015. Liên quan đến việc thực hiện các thỏa thuận hiệp định song phương, bà Sonechan Phoutthavong - Tham tán Kinh tế - Thương mại Lào tại Việt Nam đánh giá, hai Chính phủ đã tạo điều kiện rất tốt cho các hoạt động đầu tư bằng các khung pháp lý cơ sở cho doanh nghiệp hai bên.
Cơ quan ban ngành của hai nước cũng đang cố gắng tiếp thu, sửa đổi các hiệp định cho phù hợp với tình hình hai nước. Việc đầu tư kinh doanh song phương thời gian qua rất thuận lợi, các doanh nghiệp đã rất cố gắng vượt khó.

 

Tọa đàm bàn tròn giữa các đại biểu tham dự chương trình.
 
Bình luận facebook
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội
  • Địa chỉ: Tầng 2 - Tầng 3 số 119 Lê Duẩn, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Tel: 024 3942 5429 - Fax: 024 3942 5640
  • Email: vp@hanoisme.vn
  • Website: www.hanoisme.vn
  • Người chịu trách nhiệm nội dung:
    Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký
© 2021. Bản quyền thuộc về Hanoisme.vn. Thiết kế website & SEO - Tất Thành