Phó Chủ tịch HANOISME Mạc Quốc Anh: Hà Nội cần mạnh dạn hơn vì nền kinh tế không thể đợi thêm nữa
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) cho rằng Hà Nội cần có những giải pháp mạnh dạn hơn, linh hoạt hơn để thúc đẩy hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì nền kinh tế không thể đợi đến khi chúng ta kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) cho rằng Hà Nội cần có những giải pháp mạnh dạn hơn, linh hoạt hơn để thúc đẩy hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì nền kinh tế không thể đợi đến khi chúng ta kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, đến thời điểm này, có thể thấy nền kinh tế vốn không có tích lũy sâu đã tới hạn chịu đựng. Các doanh nghiệp gần như kiệt quệ, đã phải lên tiếng kêu cứu. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ngấm đòn, đứng trước nguy cơ mất nhiều hợp đồng. Nhiều người dân mất sinh kế.
Nhà nước thì không thể có đủ nguồn lực cấp phát tiền mặt như những nước giàu. Ngay cả những gói hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm thuế, giảm lãi suất... cũng chưa phát huy tác dụng nhiều, vì doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, không có doanh thu thì đâu cần phải vay vốn, đâu có thuế mà nộp.
Do đó, Hà Nội cần có những biện pháp linh hoạt hơn, mạnh dạn hơn để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo "mục tiêu kép" đã đề ra.
PV: Hà Nội vừa có những động thái phân vùng để bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất – kinh doanh ở các "vùng xanh", vùng cam", đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ "vùng đỏ". Ông đánh giá thế nào về động thái này?
Ông Mạc Quốc Anh: Thủ tướng đã hơn một lần xác định con đường chống dịch phải lâu dài. Hà Nội, mặc dù trong những ngày qua vẫn phát hiện những ổ dịch mới, nhưng cũng đã xác định thay đổi chiến thuật chống dịch, từ phong tỏa toàn bộ Thành phố sang phân vùng xanh – cam – đỏ theo yếu tố nguy cơ dịch bệnh để bắt đầu hồi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Tôi nghĩ giải pháp của Hà Nội đến thời điểm này là hợp lý, vì những chính sách phong toả cực đoan sẽ gây khó khăn không nhỏ cho cuộc sống người dân, trong khi vẫn không thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh. Chúng ta phải xác định sẽ phải sống chung với con virus này, bởi sẽ không thể tuyệt đối không có ca nhiễm nào trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, theo tôi vẫn còn một số vấn đề bất cập và hạn chế.
Thứ nhất là hiện nay Hà Nội đang khoanh vùng theo địa bàn quận, về mặt quy mô tôi nghĩ nó rộng quá. Ví dụ như có người ở vùng xanh nhưng đi làm ở vùng đỏ, mà vùng đỏ lại áp dụng 3 tại chỗ thì tương đối khó.
Hơn nữa doanh nghiệp sản xuất ở vùng xanh mà không lưu thông, phân phối được ở vùng đỏ thì dẫn đến hàng tồn kho, doanh nghiệp càng khó khăn hơn.
Theo tôi vùng đỏ nên thu hẹp lại, ví dụ khoanh ở các phường có ca bệnh thôi, những doanh nghiệp ở đó áp dụng 3 tại chỗ, còn các vùng khác thì mở cửa dần, mở cửa cả lưu thông và cho phép các hàng hóa, dịch vụ khác ngoài hàng hóa, dịch vụ thiết yếu dần hoạt động trở lại.
PV: Tuy nhiên nếu Hà Nội sớm thu hẹp vùng đỏ, nới lỏng hơn các biện pháp giãn cách thì nguy cơ dịch bệnh lây lan có thể để lại những hậu quả nặng nề, thưa ông?
Ông Mạc Quốc Anh: Hiện nay số ca nhiễm ở Hà Nội so với các tỉnh miền Nam là ít hơn nhiều, do chúng ta kiểm soát tốt. Tuy nhiên, việc áp dụng mức độ giãn cách lại tương đương các tỉnh có ca bệnh nhiều.
Vì vậy, tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan quản lý phải mạnh dạn, nới lỏng dần, linh hoạt các biện pháp kiểm soát, vì kinh tế không đợi mình được. Môi trường kinh doanh của mình đã nỗ lực mấy chục năm qua để lấy được niềm tin của các thị trường, đối tác, nhưng chỉ vì dịch bệnh mà sụt giảm quá nhiều.
Hơn nữa, hiện nay ngân sách rất hạn chế, không thể tung các gói hỗ trợ liên tục được. Do đó, chúng ta phải kích cầu trong dân, phải khơi thông, cho phép lưu thông, thúc đẩy mua bán để doanh nghiệp có thể hồi phục.
Vừa rồi Thành phố đã tạo điều kiện cho giao hàng rồi, nhưng với doanh nghiệp đâu chỉ có khâu giao hàng, họ còn có các khâu lưu thông khác, không chỉ trong Thành phố mà còn các tỉnh thành khác nữa...
Ngoài ra, hiện nay Hà Nội vẫn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp làm việc luân phiên 50%. Quy định này với cơ quan hành chính thì được, nhưng với doanh nghiệp sản xuất tôi cho là chưa phù hợp. Vì ngay từ cuối 2020, các doanh nghiệp đã phải cắt giảm tối đa lao động, đã co gọn lắm rồi, giờ họ chỉ còn giữ lại những vị trí quan trọng nhất thôi. Giờ lại đi làm có 50% thì rất là khó khăn, vì đối với doanh nghiệp sản xuất, có những bộ phận không thể làm online được.
Trong khi đó, hiện nay chúng ta đã áp dụng cách ly ở mức độ rất cao rồi, những người ra đường cũng chỉ là những người đi làm việc thôi. Trước đây thì còn các hàng quán, dịch vụ, nay đóng cửa hết rồi thì quãng đường lưu thông của họ cũng chỉ từ nhà đến cơ quan, doanh nghiệp, theo tôi nghĩ khả năng lây rất khó. Vì vậy, tôi đề xuất Thành phố nên xem xét lại quy định làm việc luân phiên 50%, bởi sẽ làm giảm năng suất, hiệu quả người lao động, doanh nghiệp.
PV: Vậy ông có những đề xuất gì thêm để Hà Nội thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh?
Ông Mạc Quốc Anh: Thứ nhất, giải pháp căn cơ, theo tôi, vẫn là tiêm vaccine để từng bước tạo miễn dịch cộng đồng. Trong đó, tôi đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động của các doanh nghiệp, tất nhiên là sau lực lượng tuyến đầu chống dịch, vì đây là lực lượng rất quan trọng.
Họ là phải đi làm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, đóng góp cho kinh tế, ổn định xã hội. Đằng sau họ còn có thể phải nuôi 2-3 người. Họ được tiêm vaccine không chỉ giảm lây nhiễm ở cộng đồng, ở gia đình mà còn góp phần ổn định kinh tế.
Thứ hai, chính quyền cần tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Theo tôi Nhà nước có thể kéo dài các chính sách miễn, giảm, giãn hoãn thuế, lãi suất đến cuối 2022 để doanh nghiệp có đủ thời gian hồi phục.
Thứ ba, tôi nghĩ đã đến lúc dừng các quy định hàng thiết yếu, hàng không thiết yếu. Vì hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh là một chuỗi. Doanh nghiệp sản xuất hàng không thiết yếu là phụ trợ, phục vụ doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu.
Ví dụ máy móc của một doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu bị hỏng, thì phải cần một ông kỹ thuật của một công ty bảo trì, nhưng ông bảo trì lại không được ra đường vì không thiết yếu. Hay các doanh nghiệp sản xuất giấy, bao bì là hàng hóa không thiết yếu, nhưng lại phục vụ ông thiết yếu...
Vì vậy tôi kiến nghị tất cả các mặt hàng đều phải cho sản xuất, lưu thông trong phạm vi và sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Chứ cứ định nghĩa cái này là thiết yếu, cái kia không thiết yếu không cho lưu thông, sản xuất thì bó buộc quá, không đúng với thị trường, làm giảm sự cạnh tranh, phát triển của doanh nghiệp.
Thứ tư, hiện nay các chuỗi cung ứng, nhà đầu tư đã có sự tính toán lại thị trường Việt Nam, vì vừa rồi chúng ta đứt gãy nhiều, các đơn hàng bị chậm, không đúng hẹn rất nhiều. Vì vậy các nhà làm chính sách phải làm sao liên kết, gắn kết lại các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ năm là các chính sách hiện nay về mặt chủ trương tốt, nhưng về mặt thực hiện còn nhiều vấn đề. Các chính sách khi ban hành phải đủ thời gian để người dân, doanh nghiệp thực hiện, đừng thay đổi nhiều quá.
Chúng ta làm chặt là tốt, nhưng phải suy nghĩ các đối tượng thực hiện có làm được không, doanh nghiệp, người dân có chịu đựng được không. Bởi chính sách ban hành mà gây cản trở, khó khăn hơn cho người dân doanh nghiệp, lại không giúp chống dịch tốt hơn thì chưa được.
Theo Hà Loan, báo An ninh Thủ đô