Phát biểu tại diễn đàn, Ngài Robert Iwan, Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác phát triển kinh tế của vùng Lower Silesia (Ba Lan) nhận định: Mặc dù Việt Nam và Ba Lan đều là nhà sản xuất và xuất khẩu (XK) lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản cũng là nhóm hàng chính trong cơ cấu trao đổi thương mại song phương. Tiềm năng hợp tác cho doanh nghiệp (DN) hai bên vẫn còn rất lớn. Hai bên có những điều kiện hết sức thuận lợi để đẩy nhanh hợp tác như cơ cấu xuất NK hàng hóa không cạnh tranh mà có tính bổ sung cho nhau rõ rệt, đặc biệt là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp đi vào thực thi, sẽ tạo điều kiện để Việt Nam - Ba Lan đẩy mạnh hợp tác thương mại trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Ba Lan tham gia hội nghị giao thương lần này quan tâm và tìm kiếm đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm (thực phẩm tươi và chế biến, trái cây tươi và đóng hộp, thịt gia cầm…), du lịch, nội thất, dược mỹ phẩm. Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của hai bên và có nhiều dư địa hợp tác phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết: Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, là đầu tàu kinh tế của khu vực phía Bắc. Năm 2018, Hà Nội đóng góp 16,63% GDP và 17,19% thu ngân sách cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 760.014 tỷ đồng, tăng 7,12% so với năm 2017; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 508.833 tỷ đồng, tăng 8,9%; GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 4.080 USD/người; Kim ngạch xuất khẩu đạt 14,23 tỷ USD, tăng 21,6%; Khách du lịch quốc tế đạt 5,74 triệu lượt, tăng 16%.
Theo thống kê, tính đến tháng 10-2019, Ba Lan có 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nội với tổng vốn đăng ký là 134,83 triệu USD, tập trung vào một số lĩnh vực nhất định như: Bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, thông tin truyền thông...; 08 văn phòng đại diện của doanh nghiệp Ba Lan tại Hà Nội hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dược phẩm.
Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ba Lan và Việt Nam thời gian qua tăng trưởng tích cực. Năm 2018, kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và Ba Lan đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng gần 60% so với năm 2017. Tính đến hết tháng 9-2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt hơn 1,3 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,1 tỷ USD và nhập khẩu hơn 207 triệu USD.
Chủ yếu các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa của Hà Nội xuất khẩu sang thị trường Ba Lan vẫn là những sản phẩm truyền thống của Việt Nam bao gồm: Hàng dệt may, nông sản, thủ công mỹ nghệ, giày dép các loại (chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Ba Lan). Trong khi đó, Ba Lan có thế mạnh về nhóm sản phẩm từ gia súc, thức ăn gia súc và dược phẩm là những mặt hàng Hà Nội có nhu cầu nhập khẩu khá lớn (năm 2018, tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc của Hà Nội đạt khoảng 7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội).
Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định, tiềm năng hợp tác cho doanh nghiệp hai bên vẫn còn rất lớn. Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm và những lợi thế của vùng Lower Silesia, có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Hà Nội về công nghệ cũng như kỹ thuật, xây dựng chuỗi giá trị để tạo sự lan tỏa công nghệ, giúp doanh nghiệp Hà Nội nâng cao chất lượng sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường Ba Lan và châu Âu.
Nhấn mạnh định hướng của thành phố Hà Nội trong thời gian tới là tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng... gắn với phát triển bền vững, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tại Ba Lan đẩy mạnh đầu tư vào thành phố Hà Nội. Đồng thời, khẳng định, quan điểm của lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác hai chiều trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh cho rằng sau khi Tổng thống Ba Lan - Ngài Andrzej Duda sang thăm Việt Nam vào cuối 2017 thì đây là một trong những hoạt động để đánh giá quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội (Việt Nam) với các doanh nghiệp Ba Lan. Trước khi Diễn đàn diễn ra, toàn bộ thông tin của doanh nghiệp Ba Lan tham gia Diễn đàn đã được phía Hanoisme gửi đến các doanh nghiệp của Hà Nội.
Các DN Hà Nội và DN Ba Lan trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra gặp gỡ B2B giữa DN Việt Nam và Ba Lan. Theo đó, 06 DN Ba Lan và 51 DN Việt Nam đã cùng nhau trao đổi tiềm năng hợp tác kinh doanh, điều kiện để các DN có thể xuất, nhập NK.
Cùng với hoạt động B2B, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các DN hợp tác hai chiều trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch, tại Diễn đàn cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Hỗ trợ DN (Hanoisme) với các DN Ba Lan. Phó Chủ tịch Hanoisme Mạc Quốc Anh kỳ vọng, với sự hợp tác này sẽ hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung và Ba Lan tiếp cận những thông tin thị trường, chính sách ưu đãi thương mại, đầu tư của nhau, từ đó, góp phần nâng cao kim ngạch xuất NK của hai quốc gia, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia.