Diễn đàn thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước
và đông đảo doanh nghiệp Thủ đô
Tham dự Diễn đàn có: Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cùng đại diện lãnh đạo Cục Hải quan, Cục Thuế và các sở, ban, ngành, các hiệp hội ngành hàng và đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết: Diễn đàn cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch 147/KH-UBND ngày 30/7/2016 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016, Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020.
Nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh hy vọng, Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp lắng nghe các nhà quản lý nhà nước nói về các chính sách mới về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ; những điểm mới về chính sách Thuế, Hải quan, Công Thương… Thông qua đó, các doanh nghiệp có cơ hội nói lên những khó khăn hạn chế của các chính sách ban hành để cơ quan nhà nước điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời thông qua Diễn đàn, các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi trực tiếp với lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội, qua đó tăng tính liên kết, đoàn kết hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016. Từ tháng 6/2016, Hà Nội đã thực hiện đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 2 ngày làm việc, trước 1 ngày so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp; thí điểm thực hiện liên thông giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, xây dựng mô hình liên thông tập trung giải quyết các thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư thực hiện, giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng… Những nỗ lực này đã được ghi nhận qua những con số. Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, với hoạt động triển khai mở rộng hóa đơn điện tử, tính đến tháng 5/2016 đã có trên 120 doanh nghiệp được phê duyệt, 100 doanh nghiệp đăng ký phát hành, 80 doanh nghiệp đã lập hóa đơn, những lĩnh vực khác như hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng, điện năng cũng có những cải thiện tích cực.
Chia sẻ một số thông tin liên quan đến vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Thủ đô trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Khương cho biết, với những nỗ lực của các ban ngành, điểm số của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của Hà Nội năm 2015 đạt 59 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2014, xếp hạng 24/63 tỉnh, thành phố thuộc nhóm điều hành khá. Kết quả điều tra PCI trong thời gian gần đây cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã có cảm nhận tích cực hơn về nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Mặc dù nhiều lĩnh vực chỉ số thành phần vẫn ở mức thấp, song điểm sáng về chất lượng điều hành của Hà Nội năm qua chính là dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, xếp thứ 5/63, nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Một số dịch vụ như tư vấn pháp luật, đối tác kinh doanh, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đào tạo tài chính kế toán ghi nhận có cải thiện tích cực với tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ này gia tăng, số doanh nghiệp cho biết hài lòng và sẽ sử dụng lại các dịch vụ này ở mức khá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủ đô vẫn gặp một số khó khăn liên quan đến vốn, lao động, thủ tục hành chính, môi trường cạnh tranh không bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Khương chia sẻ tại Diễn đàn
Khuyến nghị về các giải pháp, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Khương cho rằng, cần tiếp tục triển khai kế hoạch hành động số 147 và số 85 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách, coi doanh nghiệp dân doanh là động lực phát triển bền vững cũng như triển khai mạnh mẽ hơn đề án hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố Hà Nội đến năm 2020 với 200.000 doanh nghiệp mới thành lập; đồng thời nhấn mạnh, để thực hiện tốt quy hoạch vùng của Chính phủ, thủ đô Hà Nội cần xác định rõ lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết và cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như quốc tế theo các tiêu chí tốc độ, quy mô bền vững cũng như cần nghiên cứu những hướng phát triển cho các dịch vụ, sản phẩm mới.
Tại Diễn đàn, đại diện các Cục Thuế, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã chia sẻ những điểm mới về chính sách thuế, hải quan; các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi với các cơ quan quản lý về những thuận lợi, khó khăn cũng như đưa ra các giải pháp, góp phần điều chỉnh sao cho phù hợp với các hoạt động của doanh nghiệp./.